Thành Phố Không Mặt Người
Phan_11
Chị thay quả bóng đèn ngủ màu xanh bằng một quả bóng màu đỏ. Nhưng chính cái màu đỏ rạo rực ấy lại càng làm cho chị khó ngủ hơn. Cái thứ ánh sáng ấy đã gợi lên trong chị một sự khao khát rất rõ ràng, cụ thể. Lâu nay, chị vẫn luôn che dấu sự thổn thức của mình trong những bộ quần áo lao động nhàu nhĩ, bạc màu, cáu bẩn và rộng thùng thình; sau những cánh cửa luôn đóng im ỉm cả ngày lẫn đêm, kể cả khi chị có mặt ở nhà. Vậy mà bây giờ, chị không còn sức để chịu đựng những điều đó nữa, không thể bình thản và dửng dưng trước những người đàn ông. Mỗi lần như thế, Huyền lại thở dốc như vừa phải làm một công việc gì đó cực kỳ nặng nhọc. Chị thấy tức ngực, khó thở. Chị vội ngồi nhổm dậy, vùng khỏi giường, lao vào nhà tắm, dội nước ào ào lên khắp cơ thể. Một lúc sau, chị thấy chân tay mình rã rời, người mệt rũ ra như một con gà bị cúm. Chị lại phải vội vàng đổi quả bóng đèn ngủ màu đỏ bằng một quả bóng màu xanh lơ, dịu dàng hơn.
Từ ngày chồng mất, hơn hai năm nay, Huyền vẫn sống lặng lẽ và đơn độc trong căn nhà nhỏ ở cuối xóm Bờ Ao, nơi chỉ có lèo tèo năm, sáu ngôi nhà nằm thưa thớt bên cạnh chiếc ao cá rộng mênh mông. Có lẽ, cuộc sống của chị đã êm ả hơn, nếu như Lâm không trúng thầu chiếc ao cá này và dựng một chiếc chòi canh nhỏ để trông ao, cách ngôi nhà của chị không bao xa. Ngày ngày, nhìn thấy thân hình vạm vỡ của anh ngụp lặn ngoài ao, trong chị lại gợn lên ý muốn được làm một người đàn bà giống như bao người đàn bà khác. Những đêm mất ngủ, Huyền đều nghe được tiếng bước chân và cả những tiếng thở dài của anh nữa, mỗi khi anh đi qua sau nhà, chỗ cửa sổ mà mẹ con chị đang nằm. Đêm nào, anh cũng đi quanh ao cá một vòng trước khi về chòi ngủ, cần mẫn và chính xác như một chiếc đồng hồ. Những lúc ấy, chị lại ngồi nhổm dậy, dỏng tai nghe ngóng và phải hít thở thật sâu cho nhịp tim bớt đập loạn lên trong lồng ngực. Nhiều lần, khi Lâm trở về chòi, Huyền đã lặng lẽ đi theo sau anh đến tận chân chòi, rồi như người đang định ăn vụng, chị thấy mình mắc lỗi, vội quay đầu, bỏ chạy thật nhanh như bị ma đuổi.
Mất điện. Sao lại mất điện vào đúng lúc nửa đêm như thế này cơ chứ? Bé Thảo chợt trở mình, ú ớ nói mê, tay quờ quờ vào người chị. Huyền không sợ bóng tối, thậm chí còn muốn được ngồi một mình trong bóng tối. Nhưng bé Thảo lại sợ bóng tối và quen ngủ có đèn. Nhỡ tỉnh giấc, không nhìn thấy gì, bé sẽ khóc thét lên, sẽ không thể dỗ nó ngủ lại được, sẽ thức luôn đến sáng mất. Chị lần tìm chiếc đèn pin để ngay đầu giường và dậy đi soi tim bật lửa. Cái bật lửa chết tiệt hình như hết xăng làm chị bật rát cả tay mà không chịu lên lửa. Huyền lôi cục bông trong ruột bật lửa ra. Cục bông khô cong queo. Làm thế nào bây giờ? Mấy ngày nay chị lại quên mất cả việc mua xăng khi chai xăng con con chỉ dùng để chạy bật lửa đã hết mấy ngày rồi. Với lại, lâu nay, có bị mất điện như thế này bao giờ đâu. Không thể thắp đèn pin đến sáng, cũng không thể cứ nằm trong bóng tối mãi được. Huyền đành với tay lấy chiếc đèn dầu để trên ban thờ, cầm theo đèn pin đi xin lửa.
Ngoài sân, vằng vặc ánh trăng. Trăng nhễ nhại chảy trên những tàu lá chuối ướt đẫm sương đêm. Trăng tràn trề khoảng sân, loang loáng trên khắp con đường bao quanh ao cá. Ngày trước, chị rất thích những đêm trăng như thế này, nhưng lâu lắm rồi, chị cũng không còn hứng thú để cảm nhận vẻ đẹp của những đêm trăng sáng nữa, những đêm trăng mà khi còn trẻ, bao giờ chị cũng thấy chúng lung linh, huyền ảo. Chợt Huyền đứng khựng lại trước cánh cổng sắt lạnh lùng khi mà chiếc then kêu kin kít đã được rút ra gần hết. Biết xin lửa ở đâu? Mọi nhà đã ngủ từ lâu rồi, chẳng lẽ lại gọi họ dậy? Có lẽ anh Lâm còn thức. Anh ấy cũng chỉ vừa mới đi quanh ao một lượt về thôi mà. Tự dưng, Huyền thấy chân tay mình run bắn lên, người bừng bừng như lên cơn sốt. Chân chị bước gấp gáp về phía chòi canh ao của Lâm như một kẻ mộng du. Đứng dưới chân chòi khá lâu, chị mới có thể cất được tiếng gọi khẽ, run run:
- Anh Lâm còn thức không?
Trong chòi vẫn tối đen như mực. Chị cất tiếng gọi khẽ một lần nữa rồi định quay về thì nghe thấy giọng của anh:
- Ai đấy?
- Em! Huyền đây! Em muốn xin anh ít lửa. Mất điện tối quá mà bật lửa nhà em lại bị hỏng. Chị nói lắp ba lắp bắp như một cái máy.
Huyền cảm thấy tim mình đập thùm thụp như đánh trống. Sao mình lại cảm thấy lạnh run lên như thế này? Sao mãi không thấy Lâm nói gì? Có lẽ anh ngại? Anh cảm thấy bất tiện? Đêm hôm như thế này, mình ở đây một mình cũng không hay. Nghĩ vậy, chị định quay gót về nhưng lòng vẫn chùng chình với những ý nghĩ tội lỗi. Chợt giọng Lâm vang lên trên chòi:
- Em lên đi!
Chị khẽ rùng mình như vừa bị ai đó hú hoà sau lưng. Ánh sáng leo lét của chiếc đèn dầu nhỏ vừa được anh thắp lên làm cho chị tự tin hơn. Chiếc chòi đơn sơ, ngày nào chị cũng đi qua, ngày nào chị cũng nhìn thấy, vậy mà hôm nay, tự dưng chị thấy lạ lẫm và hồi hộp như vừa trông thấy lần đầu.
Lâm ngồi nép vào một góc để nhường chỗ cho chị. Anh vừa khoác thêm lên mình một chiếc áo may ô cũ, rách tơi tả ven mấy đường chỉ may, cáu bẩn, nhàu nhĩ như một miếng rẻ rách nhưng cũng không thể làm mất đi vẻ đẹp cường tráng của người đàn ông tràn đầy sức sống từ con người của anh, nhất là trước ngọn đèn dầu tù mù, chập chờn. Huyền cầm đóm châm lửa từ chiếc đèn của Lâm sang mà tay run bắn lên, làm đổ cả ngọn đèn. Ánh sáng tắt ngấm. Chỉ còn những lằn sáng nhờ nhợ từ ngoài ao hắt vào. Chỉ còn ánh trăng rờ rỡ bên ngoài chòi. Chị quờ tay tìm bật lửa, chợt chạm vào tay anh. Hình như anh cũng đang tìm bật lửa để châm lại đèn. Hơi thở của Lâm gần lắm, ấm nóng và gấp gáp nữa làm cho Huyền thấy tức ngực, khó thở. Ý muốn có được anh khiến cơ thể chị bừng bừng như phát sốt, như bị lên cơn co giật, như bị ma làm. Chị nắm chặt tay của Lâm, kéo anh đổ ập xuống. Họ quấn chặt lấy nhau. Chỉ có tiếng gió lang thang hơn dỗi bên ngoài chòi và những tiếng thở gấp gáp của hai người.
*
* *
Lâm, Thái, Hoà là bộ ba nổi tiếng tài tử ở trường cấp ba nơi Huyền học. Họ được các bạn nữ trong trường rất ngưỡng mộ bởi vẻ đẹp trai, học giỏi, hát rất hay, chơi ghi ta rất cừ và nhảy cực đẹp. Không buổi tổ chức lễ hội nào của trường là không có mặt của họ. Không một hoạt động tập thể nào mà họ lại không làm cho tất cả mọi người đều trở nên cuồng nhiệt. Họ học trên Huyền một lớp. Cả ba đều yêu chị. Cũng có thể vì chị hát rất hay. Cũng có thể vì Huyền là cô học trò học giỏi Văn, hay mơ mộng. Cũng có thể vì chị là hoa khôi của trường, một cô học trò đẹp rực rỡ và hồn nhiên giữa những đứa học trò quê luộm thuộm và lấm lem bùn đất. Chị cũng không biết nữa nhưng chính chị cũng không hiểu tại sao lại bị Thái chinh phục dễ dàng đến vậy, khi mà lòng kiêu ngạo của Huyền đã làm khổ sở rất nhiều gã si tình. Có lẽ, chị thích nụ cười khinh bạc của Thái. Cũng có thể, chị thích sự ngạo nghễ trong cách cư xử hàng ngày của anh.
Cả ba đều trượt vỏ chuối trong lần thi đại học đầu tiên. Thái chỉ để lại cho Huyền một bức thư, rồi bỏ vào Nam biệt tăm. Lâm và Hoà ở lại làng, lao vào làm kinh tế. Vừa buồn vì chuyện của Thái, vừa giận bố mẹ khi thường xuyên bóng gió giục chị lấy chồng, Huyền đã không nộp hồ sơ thi đại học. Năm sau, Huyền dự thi nhưng bị trượt. Đó là một ngày chị không thể nào quên được khi nhận được giấy báo điểm thi vào đúng lúc cả nhà đang cuống lên chạy lũ, trận lũ lịch sử của làng Từ Đài. Nước từ thượng nguồn sông Hồng đổ về gầm rú, đục ngầu, tung bọt trắng xoá. Nước thè cái lưỡi dài ngoẵng, đen ngòm liếm lấy bãi đất ngoài đê, rồi nhảy chồm lên, liếm lấy mái nhà, liếm lấy ngọn cây, rồi nuốt chửng tất cả vào cái lòng sông đang sôi réo, đỏ ngầu trong chớp mắt. Mọi người vội vàng bồng bế, dắt díu nhau chạy lên đê tránh lũ. Họ dựng những chiếc cọc tre gầy guộc, khẳng khiu như những cánh tay dài nhẵng vì đói ăn, huơ huơ một cách tuyệt vọng lên trời, đầu hàng cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Họ căng dây, phủ bạt, phủ áo mưa lên làm thành những chiếc lều tạm bợ, thấp lè tè, lô xô trên con đê đang phải gồng mình lên ngăn dòng nước lũ hung dữ. Suốt mấy ngày bị quản thúc trong lều, lòng Huyền như tan nát. Chị đau khổ vì hi vọng của mình bị dập tắt thì ít, mà vì cuộc sống bấp bênh của mình cùng với dân làng nơi ven sông này thì nhiều. Mãi đến khi lũ rút đi, để lại một vùng đổ nát, hoang tàn, bám đầy bùn đất, mọi người mới trở về dựng lại nhà cửa, dọn dẹp bùn đất và bắt đầu một cuộc sống mới. Huyền đổ bệnh. Chị sốt li bì mấy ngày liền. Trong lúc mê sảng, chị vẫn cảm nhận được sự lo lắng, quan tâm chăm sóc ân cần của cả Lâm và Hoà. Họ đã giúp gia đình Huyền dựng lại căn nhà khang trang như cũ.
Một buổi tối, chị nhớ rất rõ là vào độ tháng Giêng. Hôm ấy, trời khá lạnh. Vừa đi làm đồng về, chưa kịp rửa chân tay, bố mẹ chị đã gọi vào bàn chuyện làm đám cưới với Hoà. Đất dưới chân Huyền như sụp xuống. Điều chị luôn lo sợ trong suốt thời gian qua thì bây giờ đã đến. Chị không muốn chọn ai giữa Lâm và Hoà. Huyền quỳ xuống giữa nhà, xin bố mẹ cho chị được thi đại học thêm một năm nữa, nếu không đỗ, chị nhất định sẽ nghe theo mà không một lời oán trách.
Hôm Hoà sang xin cưới, Huyền đã chấp nhận buông xuôi tất cả. Chị đã tự hứa với lòng sẽ tận tâm, tận lực với Hoà để bù đắp phần nào những việc anh đã giúp đỡ gia đình mình. Nhưng Duy lại mang về cho chị tờ giấy báo trúng tuyển và gọi nhập học của trường cao đẳng sư phạm. Huyền đã chết lặng người đi, mãi không nói được câu nào. Duy đã quỳ xuống bên giường xin chị tha tội. Huyền chỉ biết khóc nấc lên, nức nở như một đứa trẻ con.
Đáng lẽ, giấy gọi Huyền nhập học đã có thể về cùng với giấy gọi của những người trúng tuyển khác trong làng, nhưng chỉ vì Duy muốn chị vui, muốn chị bất ngờ nên khi nhìn thấy giấy gọi của chị ở bưu điện, anh đã cầm hộ luôn mà không chuyển về xã. Đúng lúc ấy, Duy nhận được điện thoại của chị gái ở thành phố Hồ Chí Minh báo tin bố anh bị tai nạn giao thông, đang cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy. Anh chỉ kịp nhắn lại về nhà mấy câu rồi vội vàng bắt xe ô tô vào ngay với bố. Mãi đến khi bố anh qua được cơn nguy hiểm, Duy mới chợt nhớ đến tờ giấy báo trúng tuyển của Huyền. Chỉ còn năm ngày nữa là đến thời gian nhập trường. Đúng lúc đấy, anh Công, bạn trai của chị gái Duy nhận được lệnh phải ra Bắc công tác ngay ngày hôm sau bằng máy bay, nên Duy đã nhờ anh mang về để Huyền kịp làm thủ tục nhập học. Nhưng chỉ trước khi lên máy bay ra Bắc vài tiếng đồng hồ, anh Công lại phải chuyển chuyến đi công tác sang nước ngoài ngay trong ngày. Lúc Duy biết điều đó thì thời gian nhập học của Huyền đã qua từ lâu.
*
* *
Sau đêm mất điện ở chỗ Lâm về, Huyền không ngờ mình lại vẫn có thể sống vui vẻ và thản nhiên như thế được. Có lẽ, khi người ta đã bước chân qua được ranh giới nào đó thì tất cả mọi thứ sẽ không còn gì là đáng sợ nữa. Chị cũng không thể nào giải thích nổi, vì sao, sau lần đầu ấy, chị lại đến với Lâm thường xuyên, dễ dãi và bình thản hơn
Lan là bạn học của chị suốt mười hai năm phổ thông, lại ở cùng làng. Lan không đẹp, có thể nói là không có gì nổi bật để khiến một chàng trai hào hoa như Lâm để ý. Vì điều ấy mà Lan luôn ghen tị với Huyền, luôn tìm cớ gây sự và đổ lỗi cho chị. Bây giờ có được Lâm, có lúc chị cảm thấy đôi chút hả hê vì đã bắt được chồng của Lan phải phục tùng ý muốn của mình. Nhưng rồi Huyền lại cảm thấy mình quá đáng, với cả Lan, với cả Lâm. Nếu chị không quyết định lấy Hoà, Lâm đã không đến nỗi chán nản, buông xuôi tất cả và bỏ đi một thời gian dài, rồi trở về mới quyết định lấy Lan. Nếu không vì chị, có lẽ Lâm đã có một cuộc sống khác, vô cùng hạnh phúc và thành đạt. Nhưng tất cả những điều ấy cũng chẳng là gì khi chính chị nghĩ rằng, sự vụng trộm của mình nơi cuối làng khuất nẻo thế này, không ai có thể biết được.
Lan bắt được hai người đang nằm với nhau nhưng thái độ của cô ấy khá dửng dưng, không ầm ĩ, cũng không đánh ghen, không lăng mạ Huyền và Lâm như Huyền nghĩ. Giá như Lan cứ mắng thẳng vào mặt chị, cứ xông vào cào cấu, chửi rủa thật cay độc như những người đàn bà khác đánh ghen, có lẽ Huyền đã dễ chịu hơn.
Lan nhẹ nhàng ngồi xuống, khá bình thản:
- Thèm đàn ông quá, không chịu được nữa rồi chứ gì? Tôi cho chị thuê chồng đấy, chị dám không?
Cả Lâm và Huyền đều sửng sốt. Một việc như thế mà chị ta cũng nghĩ ra được và nói dửng dưng đến thế. Lan tiếp tục lên giọng:
- Dù sao thì tôi cũng chẳng dỗi hơi để suốt ngày đi canh chồng. Mà có canh cũng chẳng được vì có lợn nào chê cám ngon đâu. Các buổi tối, hai người có thể ở với nhau, thích làm gì thì làm. Miễn là chị trả tiền thuê chồng cho tôi, mỗi tháng hai trăm nghìn!
Lâm im lặng. Hình như anh khóc. Người anh run lên. Có lẽ vì quá khổ tâm mà anh không thể nói được gì nữa. Vừa thương Lâm, vừa giận Lan, Huyền buột miệng:
- Được, tôi sẽ thuê chồng của chị!
Câu nói của Huyền làm cho Lan chợt khựng lại. Thực ra, Huyền muốn tìm cơ hội thích hợp để tạ tội với Lan sau. Không ngờ, Lan đã chuẩn bị cả giấy bút từ trước, ngồi viết một bản hợp đồng ngắn gọn, rồi đọc to cho cả chị và Lâm nghe. Lâm bỏ ra khỏi chòi, đi lang thang quanh ao. Nhìn dáng anh thất thểu, nhập nhoè, liêu xiêu trong bóng đêm, nước mắt Huyền cứ thế chảy ra ầng ậc.
*
* *
Uỷ ban nhân dân xã gửi giấy về, gọi Huyền lên giải quyết chuyện đơn từ của Lan khiến lòng chị như có lửa đốt. Từ sau hôm cô ấy bắt gặp chị và Lâm, hai người có dám gặp nhau nữa đâu. Chị cũng đã tìm Lan giải thích và xin cô ấy tha thứ, cô ấy cũng đã bằng lòng. Huyền đâu có ngờ là Lan vẫn giữ lại tờ hợp đồng ấy để gây áp lực đòi tiền chị. Số tiền Hoà để lại, cộng với tiền lương của một cô nuôi dạy trẻ, cũng giúp mẹ con chị sống thoải mái ở làng. Lan muốn chị thanh lý bản hợp đồng đúng như thoả thuận là hai trăm nghìn đồng mỗi tháng. Huyền không đồng ý. Lan doạ sẽ kiện lên xã. Nào ngờ, cô ấy làm thật. Chỉ ngày mai thôi, cả làng, cả xã này sẽ ầm ĩ lên vì chuyện của chị đã giấu giếm bấy lâu nay. Chị làm sao dám ngẩng mặt lên để nhìn bố mẹ, nhìn mọi người nữa. Ai còn cho chị dạy trẻ ở đây nữa! Nghĩ đi nghĩ lại, chị lo lắng không thể nào ngủ được. Huyền tự dưng thấy mình đâm ra trơ trẽn, chai lì, tự dưng thấy mình chẳng có gì để lo sợ trước dư luận nữa. Đằng nào thì mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi, có giữ cũng chẳng được. Chị đã sẵn sàng đón đợi tất cả, vì có nỗi đau nào mà chị chưa phải trải qua!
Ông chủ tịch xã sau khi giải thích ngọn ngành về những quy định của Luật hôn nhân và gia đình, chỉ ra cái sai trái của từng người, đã yêu cầu cả vợ chồng Lâm và Huyền cùng ký vào biên bản và phạt hành chính mỗi người một trăm nghìn đồng. Vừa không đòi được tiền của chị, lại phải nộp phạt cho cả chồng, mất nhiều tiền hơn nên Lan có vẻ hậm hực và căm thù chị lắm. Nhưng ở uỷ ban xã bị ấm ức bao nhiêu thì về đến làng, Lan lại nhục nhã bấy nhiêu, khi mà vừa bước chân vào cổng làng đã bị mấy bà hàng nước mắng té tát. Huyền cũng không ngờ, những điều mà chị đã sẵn sàng đón nhận thì lại không đến với chị mà đổ cả vào đầu Lan, khiến cho cô ấy quá đau khổ, nhục nhã và đổ bệnh. Mọi người đều lên án Lan ti tiện khi mang cả chồng ra để cho thuê. Rằng thì Lan là kẻ hám lợi quên nghĩa. Rằng thì Lan trước đây săn đón, theo đuổi Lâm cũng chỉ vì của cải nhà Lâm chứ có yêu đương gì… Rất nhiều điều tiếng cay độc đã làm cho Lan quỵ ngã, không thể gượng dậy được. Huyền thì ngược lại. Chị được mọi người cảm thông, an ủi và động viên rất nhiều. Điều đó càng làm cho chị thấy mình có tội với Lan.
Đêm nay lại là một đêm nữa trằn trọc, khó ngủ. Không hiểu sao chị lại sợ ngủ đến thế. Chị luôn bị những cơn ác mộng hành hạ khiến nhiều khi ú ớ nói mê, nhiều khi giật mình tỉnh giấc, người ướt đẫm mồ hôi. Bây giờ thì chị lại sợ ngủ một mình vì luôn cảm thấy có điều gì đó bất an, lo lắng trong lòng. Mấy hôm nay, chị đã phải bảo mẹ sang ngủ cùng cho đỡ sợ. Hình như bà cũng không ngủ được, thỉnh thoảng lại trở mình, thở dài. Đêm qua, hai mẹ con đã nằm ôm nhau khóc.
Gần sáng, trời trở lạnh. Mẹ chị nằm ngủ co ro trong chiếc vỏ chăn mỏng đắp hờ trên người. Có lẽ bà cũng vừa chợp mắt chưa lâu nên gương mặt còn lộ rõ sự căng thẳng, mệt mỏi. Huyền nhổm người dậy, chuẩn bị tư trang quần áo rồi nhẹ nhàng đánh thức bé Thảo, bế ra ngoài và ra hiệu cho con yên lặng để bà ngủ.
Gió sớm ràn rạt trên đê. Những cơn gió heo may se lạnh làm chị khẽ rùng mình. Bé Thảo khẽ rúc đầu vào ngực mẹ. Chị quay lại nhìn ngôi nhà thân thuộc của mình, nơi chị đã có mấy năm sống trong dằn vặt, khổ sở, nơi mẹ chị vẫn đang ngủ say mà chưa hề hay biết về sự ra đi của chị. Chị đã viết thư để lại cho bố mẹ và cả thư tạ tội với Lan. Chị phải đi thôi. Cũng chẳng biết đến bao giờ chị mới có thể bình tâm để trở lại nơi này
Huyền quay người đi thật nhanh.
Gió thổi ào ào dọc triền đê quấn lấy từng bước chân của chị.
19. Trễ
Truyện ngắn của Võ Thị Mỹ Linh
Nhà có hai anh em, anh hai là con cả, và dĩ nhiên, tôi là con út. Ba thương anh hai dữ lắm, ba bảo, anh là cháu đích tôn của ông bà nội, là người sau này sẽ nối dõi, thừa kế tông đường. Ngày má sinh anh hai ra, nghe đâu người ta bảo, ba mổ nguyên con heo nái nửa tạ đem đi quay rồi phân phát cho cả làng. Ba thích chơi trội như thế dù chỉ dám chơi trội một lần rồi chìm nghỉm. Mà điển hình của cuộc chìm nghỉm ấy chính là tôi. Ngày má sinh tôi ra, mặt ba méo xệch, mắt ba rã rời. Nghe đâu người ta bảo, một dĩa xôi để cúng ông bà cũng không buồn nấu. Chả là ba đã có anh hai rồi, ba đâu cần thêm một đứa con gái mà biết chắc chắn rằng sau này lớn lên nó sẽ bỏ ba má để theo chồng như tôi nữa. Ba bảo tôi là kết quả của một lần sơ suất khi ba say xỉn hay nói theo cách bóng bẩy mà không phô trương, người ta gọi đó là hậu quả của việc sinh đẻ không có kế hoạch. Từ dạo ấy trở đi, mỗi lần đi làm rồi đi nhậu về ba thường ẵm hai anh em đặt lên cái đùi xương xóc, đen sạm của mình mà nói nghêu ngao: “Thằng Đậu, mày là con trai trưởng thì phải ráng học thật giỏi, thi vào trường nào đậu ngay trường đó để sau này ba mày được nở mày nở mặt nghen con! Còn con Na, mày chỉ cần ăn khỏe, sống khỏe, đừng bệnh tật, đừng đau ốm, sau này lớn lên tìm được thằng rể ưng ý tao gả quách đi là xong!”. Ba vừa nói vừa đưa cái miệng nồng nặc mùi rượu ghé sát vào tai hai đứa. Lúc đó, dù không biết gì, tôi cũng làm bộ ra vẻ gật gù, hệt như những đứa trẻ lên ba lên bốn khác vẫn thường hay gật gật khi nghe ba mẹ chúng nói dù thực sự chả biết họ đang nói cái quái gì. Sự khác biệt giữa con nít và người lớn, có chăng là bắt đầu từ những cái gật gật như thế.…
Ngày anh hai vào lớp một tôi cũng được lon ton đi mẫu giáo. Thương anh hai, sợ ảnh học không bằng bạn bằng bè, ba bỏ công lên huyện thuê một ông thầy biết nói tiếng Tây về tận nhà dạy kèm. Tiền thuê thầy một tháng năm trăm ngàn, lại còn cơm nước, tiền công cán mỗi ngày lên rước ổng đi rồi chở ổng về, tính hết cũng ngóp nghép cũng gần triệu bạc. Chẳng biết ba lấy đâu ra nhiều tiền mà cho anh học đến thế, chỉ biết mỗi chiều đi mẫu giáo về, chạy qua cánh đồng nứt nẻ chân chim, người ta về hết mà tôi vẫn thấy ba má người cày người cấy, làm quần quật không khác gì hai con trâu lầm lũi….
Mấy bữa, tôi buồn không thèm đi học. Hỏi sao? Lên lớp chán thí mồ, có mỗi bài “Bé bé bồng bông” mà cô giáo cứ dạy đi dạy lại mãi trong khi tôi thì đã thuộc làu làu đến tận cái bài gì mà “đi tìm lá diêu bông cho em…” mà mỗi lúc ra chơi tôi vẫn thường thấy cô hay ngồi lẩm nhẩm hát một mình. Vậy là tôi quyết định ở nhà, quyết định xin ba cho theo học tiếng Tây cùng anh hai. Ba bảo, anh hai cần được yên tĩnh để chú tâm học cùng thầy, mày vào đó chỉ thêm quấy phá. Tôi hụt hẫng năm giây, buồn thêm năm giây nữa. Nhưng rồi tôi bất giác cười một cách bí hiểm. Và tôi phát hiện ra có một trò khác còn hay ho hơn cả cái trò vào học cùng anh hai nhiều. Tôi chạy ra góc hè sau nhà, nơi có khung cửa sổ trổ từ phòng anh hai, và bắt đầu kê cái ghế đứng rón rén dòm ông thầy dạy mà học lỏm. Tôi dần dà thích thú với cái trò học lỏm này khi phát hiện ra những điều thú vị như, trong tiếng Tây, người ta chỉ dùng một cách xưng hô là “I” và “You” chứ không có nhiều cách gọi lùm xùm, rắc rối kiểu “tao, mày, cô, cậu, thằng đó, con đó, hoặc bạn này, bạn nọ…” như trong tiếng Việt. Vậy là ngày mai, nếu gặp thằng Đẹt, cái thằng mà tôi ghét nhất xóm vì chuyên gia nói tục, chửi thề (mà thực ra còn một nguyên do khác là tại nó hay chê tôi lùn và xấu) thì tôi có thể chạy lại vỗ vào vai nó mà nói rằng “Hey, you!”. Thằng Đẹt sẽ quay sang thắc mắc hỏi, mày đang nói cái gì đó Na. Còn tôi sẽ ậm ờ bảo, à, trong tiếng Anh, khi tao nói “Hey, you!” thì có nghĩa là “Ô, chào anh bạn!”. Thằng Đẹt chắc chắn thích thú lắm vì không hiểu sao hôm nay tôi lại ngoan hiền đến thế, còn tôi lại bụm miệng cười khúc khích vì câu đó cũng có nghĩa là “Ô, thằng mất dạy!”. Cuộc chơi sẽ cứ thế kéo dài mãi nếu không có một ngày tôi bỗng dưng nhận ra, cái việc đứng thập thà thập thò lén lút học lỏm qua khung cửa sổ thật là nhục nhã và tại sao chỉ có anh hai mới được học nhiều còn tôi thì lại không. Tôi bắt đầu thấy ghét anh hai từ dạo đó…
***
Dù nghĩ con gái không cần học nhiều, má vẫn cho tôi đi học, chí ít là đến hết cấp hai. Má bảo, con gái cũng cần cái chữ, đừng như má, đi ra chợ mua chai dầu gội đầu cho ba mà thấy người ta bày biện đủ thứ chai bắt mắt, cuối cùng cầm nhầm về chai dung dịch vệ sinh phụ nữ. Ba cứ thế sẽ đổ mãi chai dung dịch vệ sinh lên đầu mà gội vì nó cũng tạo bọt, cũng có mùi thơm không khác gì chai dầu bồ kết đã hết dạo trước nếu một hôm anh hai không tình cờ phát hiện và đọc những dòng chữ ghi trên thân chai á nghe….
Ngày tốt nghiệp lớp 9, tôi ngồi ôm cái bằng học sinh giỏi mà khóc nức nở. Là nếu như những đứa con gái nhà khá giả khác trong xóm, tụi nó sẽ được tiếp tục học lên cao, được mặc áo dài chạy tung tăng khắp làng hoặc chí ít cũng được như anh hai, mang tiếng hàng ngày đạp xe lên huyện đi học, nghe oách thí mồ. Chở tôi về trên con đường phẳng lặng, nghe tiếng than nức nở phát ra từ thân hình nặng một tấn u hoài và trận khóc rên rỉ hao phí gần cả lít nước mắt, anh hai cất lời an ủi: “Đi học chán lắm, có gì đâu mà thích. Anh mà bỏ được là anh bỏ rồi!”
Anh hai vừa dứt lời tôi đã nhảy cẫng xuống xe la hét: “Anh thì sướng rồi, bao nhiều tiền bạc cái gì ba mẹ cũng đầu tư cho, còn em có mỗi cái ước mơ giản đị là được đi học mà cũng không được đây này. Nếu thấy chán thì anh cứ việc nghỉ học đi, để em thay anh đi học!”
Tôi nói thế rồi chạy đi với cái mặt giàn giụa nước mắt pha lẫn nước mũi, và tự thề với lòng là, nếu kiếp sau có sinh ra lần nữa, tôi chắc chắn phải làm con trai thì mới chịu….
Những ngày nghỉ học tôi ở nhà phụ má làm đồng. Mỗi buổi sáng bước ra đường, thấy mấy đứa con gái mặc chiếc áo dài đạp xe đi trên đê, lòng tôi bất giác buồn rười rượi. Tôi bắt đầu ít nói chuyện với cả nhà, với má, với ba và với cả anh hai. Tôi nhận ra hình như tôi chẳng thuộc về thế giới của họ. Đơn giản, má là người phụ nữ suốt ngày chịu an phận với việc làm một bà vợ thờ chồng, không dám cãi chồng nửa tiếng. Đơn giản, ba là người đàn ông suốt ngày quần quật không ngơi nghỉ ngoài đồng chỉ mong sao thằng con trai độc nhất của mình được ăn học đến nơi đến chốn, sau này nở mày nở mặt với thiên hạ. Đơn giản, anh hai là đứa con trai suốt ngày chỉ biết chạy xe đi học rồi chạy xe về nhà, cơm ăn nước uống sẽ có người đưa rót tận nơi. Còn tôi, tôi lọt thỏm đâu, ở một góc nào trong khoảng trống giữa ba người họ? Tôi chẳng trả lời được, chỉ biết là dù có cố gắng đến cỡ nào, dù có cầm tấm bằng giỏi về nhà khoe trước mặt ba má thì họ tôi vẫn coi tôi là một đứa con gái, có học nhiều cũng chả giúp ích gì được cho gia đình…
Bữa nọ đang ngồi trên đê ngắm mấy con diều bay cao tít, tôi nghe tiếng thằng Đẹt trong xóm chạy ra hớt hải “Anh mày bị xe đụng đang nằm trên bệnh viện huyện đó Na!”. Tôi tất tả lao đi, cái môi mấp máy chả biết đang cười hay mếu. Đến nơi, đã thấy ba mẹ sụt sùi bên giường bệnh. Tôi luôn là người đến trễ và biết sự việc sau cùng như thế.
Suốt một tháng trời anh hai nằm viện, tôi thay ảnh chép bài tập ở lớp giùm. Mệt mà vui, vì chí ít tôi lại được sờ mó vào sách vở thêm lần nữa. Tự dưng tôi thấy nên cảm ơn cái việc anh hai nằm viện quá. Nhưng ý nghĩ đó chỉ loáng qua trong đầu một phút thôi rồi vụt tắt vì tôi chợt nhận ra, chả có đứa em nào lại đi mong anh trai của mình nằm viện cả.
Ngày anh hai xuất viện, ba má mổ heo cúng viếng ông bà. Khi tất cả còn bận xôm tụ với mâm xôi chén rượu thì người ta bỗng nghe tiếng la thất thanh phát ra từ phòng kế cạnh. Ba má chạy vào, thấy đứa con trai đang nằm ôm cái cái đầu vật vã bên chồng sách vở. Bác sĩ bảo, có thể đó là di chứng để lại sau khi đầu anh hai bị va mạnh xuống đường trong vụ đụng xe. Ông ấy còn khuyên, nếu được thì nên để anh hai thư giãn, đừng bắt anh ấy học. Thần kinh căng thẳng sẽ làm bệnh của anh hai nặng hơn. Ai nấy rụng rời. Giấc mơ đứa con trai độc nhất thi đỗ khoa cử coi như tan thành mây khói.…
***
Mấy dạo đi làm đồng về, tôi thường thấy ba hay ngồi ôm chai rượu đế gật gà trước hiên. Tôi không buồn hỏi, chỉ biết rằng nỗi đau đứa con trai không thể tiếp tục theo học đang từng ngày giết dần giết mòn con người ông ấy. Những con người trong ngôi nhà ba gian lợp mái ngói cũ kỹ vốn đã ít nói giờ lại càng trở nên ít nói hơn. Có chăng là lâu lâu, nghe tiếng la thất thanh bật ra từ phòng anh hai, cả ba cái xác vô hồn mới nháo nhác chạy lại hỏi nhau rồi đi tìm thuốc cho anh hai uống.
Một buổi chiều rũ rượi, anh hai chạy đến dúi vào tay tôi mấy quyển sách, đôi mắt tỏ vẻ cầu khẩn: “Anh hết học được rồi, bé Na học thay anh nhé!”. Tôi mơ hồ chưa hiểu gì thì má bước ra chìa cho cái áo dài mới cóng: “Má nghĩ rồi, dù gì con cũng thích đi học, thôi thì giờ anh hai con bệnh không học được nữa, con thay anh hai con đi học vậy. Con thua anh hai có một tuổi, sách vở của anh hai cứ giữ lại sau này dùng, thiếu cái gì ba má mua thêm!”. Tôi không biết nên cười hay nên vui ngay lúc đó, vì rằng được trở lại trường là niềm ao ước bấy lâu nhưng ấy cũng là lúc tôi nhận ra, khi tất cả niềm hi vọng cho đứa con trai bị dập tắt thì người ta mới chịu chấp nhận đầu tư cho đứa con gái còn lại. Tôi rớt nước mắt, quay nhìn người cha đang cầm chai rượu kế cạnh, chẳng biết ông ấy đã nghĩ gì mà bằng lòng nghe lời mẹ cho tôi đi học….
Tôi trở lại trường. Nếu như là ngày này năm trước lòng tôi sẽ mơn man lắm vì những ước mơ còn đang đẹp thì giờ cảm giác niềm vui đó đã vơi đi một nửa. Những buổi sáng cùng mấy đứa con gái khác trong xóm đạp xe qua con đê đi học, tôi ngoái nhìn thấy anh hai vác cuốc ra đồng. Cũng chẳng có gì, chỉ là một sự hoán đổi vị trí, tôi bây giờ mang trong mình trọng trách học còn anh hai lại làm công việc mà trước đây tôi từng làm. Mấy bữa đi học về, tôi thấy anh hai ngồi trầy trật với cái chân chảy máu. Má bảo, khổ, cái thằng cả đời chưa cầm cuốc nên giờ ra đồng cứ cuốc trúng chân mãi. Tôi dợn lòng, thấy bùi ngùi một chút.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian